Case máy tính với hệ thống quạt làm mát dày đặc sẽ nhanh chóng hút đầy bụi vào các linh kiện nằm bên trong cho dù có tấm lọc bụi đi chăng nữa. Bụi bám dày đặc là nguyên nhân gây tăng nhiệt độ dẫn đến hiệu năng giảm sút theo thời gian
HƯỚNG DẪN VỆ SINH MÁY CHO CÁC GAME THỦ
Muốn giữ cho các thiết bị điện tử cũng như laptop bền hơn? Hãy bỏ chút thời gian ra để vệ sinh chúng!
Việc để máy tính bị bẩn, bụi bám quá nhiều có thể gây quá nhiệt, hư hại các linh kiện điện tử dẫn đến giảm tuổi thọ và chắc chắn là bạn sẽ sớm phải thay mới.
Chúng tôi sẽ hướng dẫn vệ sinh máy tính dành cho game thủ hiệu quả mà ít tốn thời gian và công sức nhất.
Dụng cụ cần thiết như: Một bình xịt khí nén, có thể tìm mua ở các cửa hàng tin học hoặc phụ kiện nhiếp ảnh, 1 lọ cồn, dấm trắng, nước cất, khăn lau mềm, tăm bông, băng dính.
Nếu bạn lười mua lẻ tẻ từng thứ một thì có thể chọn mua bộ dụng cụ vệ sinh laotop, mặc dù có thể thiếu một số vật dụng cần thiết nhưng vẫn đủ cho các thao tác vệ sinh cơ bản.
Hướng dẫn vệ sinh máy tính dành cho game thủ
1. Vệ sinh trong và ngoài thùng máy (case)
Case máy tính với hệ thống quạt làm mát dày đặc sẽ nhanh chóng hút đầy bụi vào các linh kiện nằm bên trong cho dù có tấm lọc bụi đi chăng nữa. Bụi bám dày đặc là nguyên nhân gây tăng nhiệt độ dẫn đến hiệu năng giảm sút theo thời gian. Đầu tiên hãy vệ sinh mặt ngoài của case trước.
Bạn hãy tháo hết toàn bộ các tấm lọc bụi cho quạt làm mát ra, rửa sạch và phơi khô chúng. Tiếp theo dùng mảnh vải thô đã chuẩn bị lau sạch toàn bộ bề mặt bên ngoài thùng máy. Những khe nhỏ không thể luồn vào để lau được thì hãy dùng bình xịt hơi, xịt cho bụi bay sạch ra ngoài.
Sau khi đã vệ sinh phần bên ngoài, hãy chuyển qua vệ sinh các linh kiện nằm bên trong. Tốt nhất là bạn nên tháo hết các dây kết nối giữa các linh kiện, bao gồm cả dây nguồn. Tháo các thiết bị có thể tháo được như RAM, card màn hình và tản nhiệt của CPU ra để dễ bề lau chùi.
Bề mặt main board có rất nhiều linh kiện được gắn chi chít, vì thế hãy hết sức nhẹ tay. Trước hết hãy dùng bình khí nén thổi sạch qua bề mặt 1 lần, nhớ thổi kĩ các khe cắm như RAM và các khe PCI. Sau đó dùng tăm bông thấm cồn, lau sạch sẽ từ các chân tiếp xúc của RAM, khe PCI, heat sink, bề mặt main.
Tiếp đến là vệ sinh card màn hình và RAM. Bước này thì đơn giản, bạn chỉ cần thổi bụi bên ngoài và dùng khăn lau sạch bề mặt là được. Nếu kỹ tính hơn bạn có thể tháo cả tản nhiệt của VGA ra và vệ sinh nó bằng nước, sau đó trét lại keo để card có hiệu suất hoạt động như mới. Làm điều tương tự như vậy với tản nhiệt của CPU. Lưu ý vẫn giữ CPU nằm trên main để tránh gãy các chân socket.
Sau khi đã vệ sinh toàn bộ, giờ bạn có thể lắp chúng về đúng vị trí. Nếu dây nguồn chưa được gọn, bạn cũng nên bỏ chút thời gian bó lại thành từng bó cho gọn gàng, vừa tăng tính thẩm mỹ lại khoa học.
2. Vệ sinh bàn phím và chuột
Đây là hai phụ kiện mà chúng ta có tần suất sử dụng cao nhất nên cũng không bất ngờ khi chúng cũng bẩn chẳng kém thùng máy là bao.
Trước hết hãy dùng vải mềm thấm cồn lau sạch bề mặt bên ngoài của chuột và bàn phím. Lột lớp feet ra, tháo vỏ và vệ sinh một chút bên trong với tăm bông và bình nén khí. Nếu feet quá mòn, bạn cũng nên thay luôn feet mới.
Dùng bình xịt khí nén vệ sinh bên ngoài bàn phím, nhớ xịt mạnh vào các khe. Sau đó tháo từng phím ra để vệ sinh bên dưới, bàn phím không phải là một tổ hợp kín hoàn toàn nên bụi bẩn lọt xuống bên dưới rất nhiều, thậm chí có cả phân của côn trùng hay gián chuột lọt xuống phía dưới hay đơn giản là đồ ăn vặt của bạn.
3. Vệ sinh màn hình
Màn hình thì vệ sinh khá đơn giản, bạn chỉ cần xịt một ít nước lau kính lên bề mặt và dùng khăn mềm lau sạch. Tuyệt đối không dùng các loại vải hay khăn có độ thô ráp cao vì có thể gây xước màn hình. Trong quá trình lau cũng không nên ấn quá mạnh gây ảnh hưởng đến panel nằm phía trong.
4. Tai nghe
Đối với tai nghe, hãy tháo hai miếng đệm tai (pads) ra và lau sạch, để pad bẩn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra một số bệnh về tai.
Sau khi vệ sinh tất tần tật, hãy bỏ thêm chút thời gian dọn lại góc làm việc của mình luôn nhé.